Chiều 8-6, Ðoàn công tác của Ban Bí thư do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư làm trưởng đoàn, làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Ðại hội XIII của Ðảng.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận kết quả và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Thành ủy Hải Phòng trong thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị. Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo đồng bộ trong công tác chuẩn bị văn kiện, nhân sự phục vụ Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 16 bảo đảm chất lượng. Công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh có sự gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, góp phần để thành phố có bước phát triển nhanh, hoàn thành xây dựng nông thôn mới và phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả. Thành phố đã hoàn thành hơn 93% đại hội đảng bộ cơ sở và dự kiến tổ chức Ðại hội Ðảng bộ thành phố vào tháng 9 tới là đạt yêu cầu và sớm hơn so với quy định. Cơ cấu tỷ lệ cán bộ nữ trong cấp ủy, thường vụ cao; việc thí điểm những chủ trương mới về công tác cán bộ được triển khai chặt chẽ, phù hợp điều kiện thực tế...
Sáng cùng ngày, đồng chí Trương Thị Mai dự và chỉ đạo Ðại hội Ðảng bộ huyện Kiến Thụy lần thứ 25, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ðây là đơn vị được Thành ủy Hải Phòng chọn tổ chức đại hội điểm khối huyện, đồng thời thí điểm chủ trương bầu trực tiếp bí thư tại đại hội.
* Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhận được sự quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo, cán bộ và người dân. Trong dự thảo, Bình Thuận xác định ba trụ cột phát triển là những lĩnh vực quan trọng, nhằm xây dựng tỉnh vững mạnh về mọi mặt, đó là: Công nghiệp (năng lượng, chế biến); du lịch biển và thể thao biển; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo đó, tỉnh đề ra những giải pháp là tập trung triển khai đề án cơ cấu lại ngành công thương, trong đó chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp năng lượng, tiếp tục nâng cao tỷ trọng công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sâu khoáng sản và chế biến nông, lâm, thủy sản. Tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất trong tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía nam... Với du lịch biển và thể thao biển, tỉnh tích cực thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó Ðề án "Xây dựng Bình Thuận thành Trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia" đã xác định lấy khu vực Hàm Tiến, Mũi Né và phụ cận làm nơi lan tỏa. Ðối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh sẽ quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, mặt nước, chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường; có chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản; xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả.
PV VÀ TTXVN